Xuất khẩu tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng cao

Thứ hai, 22/02/2021 | 06:44 Theo dõi CFĐT trên

Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan và bảo hộ trong nước gia tăng, thế nhưng Việt Nam vẫn có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và thặng dư thương mại đạt kỷ lục, đây được xem là bước tạo đà và tạo lực bứt phá cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.

Xuất khẩu tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng cao
Xuất khẩu tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng cao

Xuất khẩu tăng trưởng cao

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng đầu năm 2021 đạt 55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,55 tỷ USD, tương đương tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, với con số này, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2021 đạt mức cao nhất trong một tháng từ trước đến nay.

Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ như: xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020 ; cao su đạt 321 triệu USD, tăng 142,2% so với cùng kỳ năm 2020; hạt điều đạt 268 triệu USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, thế nhưng kết quả xuất khẩu trong tháng đầu năm 2021 vẫn khả quan nhờ các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và nhất là CPTPP, RCEP, EVFTA.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đem lại, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có nhiều điểm sáng dù khó tránh khỏi những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đáng chú ý, trong tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta ước đạt 2,03 tỷ USD, tương ứng tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, điển hình như: điện thoại di động đạt 6,1 tỷ USD, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính và linh kiện điện tử đạt 3,9 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,34 tỉ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020.

Tận dụng các ưu đãi thuế

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, việc đạt được kết quả xuất khẩu khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 là bởi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các đối tác, doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA đã đưa vào thực thi.

Chẳng hạn trong năm 2020, số lượng bộ C/O ưu đãi được cấp tăng 9% so với năm 2019 cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỉ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA.

Cũng theo ông Hải, trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang một số thị trường truyền thống gặp không ít khó khăn, tuy nhiên xuất khẩu vẫn có mức tăng trưởng dương nhờ các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế.

Thực tế, đến năm 2020, Việt Nam có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, đây là mức tăng mạnh so với con số 24 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD vào năm 2016, chưa kể trong đó có tới 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 8 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD.

Dù thừa nhận xuất khẩu trong năm 2021 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro do dịch Covid-19, tuy nhiên ông Hải cho rằng, Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực về xuất khẩu nhờ các FTA thế hệ mới như CPTPPEVFTA với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường.

Hơn nữa, sau thời gian bị trì hoãn bởi dịch bệnh, năm 2021 dự báo sẽ chứng kiến sự dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực qua Việt Nam định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA.

Số lượng doanh nghiệp FDI tăng sẽ tạo ra tăng trưởng cao về xuất khẩu do xuất khẩu của khối FDI luôn chiếm tỉ trọng cao (trên 80%) trong tổng kim ngạch nhiều năm qua.

"Đại dịch Covid-19 được nhận định là trong ‘nguy’ có ‘cơ’. Các doanh nghiệp có cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao khả năng ứng phó trước các biến động của thương mại thế giới, phù hợp với độ mở lớn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Khi năng lực của cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực hơn, bền vững hơn", ông Hải nhận định.

Kỳ Ân
Cafe Khởi nghiệp