SPAC – Cơn sốt mới ở Phố Wall

Thứ năm, 25/03/2021 | 17:33 Theo dõi CFĐT trên

SPAC, tạm dịch là công ty mua lại mục đích đặc biệt, đang là một cơn sốt mới ở Phố Wall hiện nay. Tờ Businessweek gọi làn sóng SPAC này là sự kết hợp giữa “sói già phố Wall” và những “tay mơ”, giống như những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thổi giá cổ phiếu GameStop thời gian vừa qua.

SPAC – Cơn sốt mới ở Phố Wall
SPAC – Cơn sốt mới ở Phố Wall

“Cơn sốt” SPAC ở Phố Wall

Giới tài chính Mỹ trong những ngày này đang xì xào về một trong những cỗ máy “vơ vét “ tiền lớn nhất của thế giới kinh doanh, đó là các công ty SPAC.

SPAC, là những công ty vỏ bọc được niêm yết trên sàn chứng khoán, các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special purpose acquisition companies) được thành lập chỉ với một mục đích duy nhất là để sáp nhập với các doanh nghiệp thật và thực sự làm ra tiền.

Trong 15 tháng qua, đã có tới 474 SPAC được ra đời và đã huy động được tổng cộng 156 tỷ USD. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham gia vào phong trào này, từ các ngôi sao như Alex Rodriguez, Shaquille O’Neal, cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho tới ông trùm quỹ đầu tư Michael Klein.

Tờ Businessweek đã gọi làn sóng SPAC hiện nay là sự kết hợp giữa ‘sói già phố Wall’ và những ‘tay mơ’, giống như trong thời gian qua các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thổi giá cổ phiếu GameStop. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể biết được liệu SPAC sẽ là 1 phát minh vĩ đại thay đổi hoàn toàn cách vận hành của thế giới tài chính hay chỉ là “bong bóng”.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã cảnh báo về “cơn sốt” SPAC sẽ đem lại kết cục bi thảm cho cộng đồng. Câu hỏi là khi nào điều đó xảy ra và câu chuyện sẽ tồi tệ đến đâu? “Cơn sốt” SPAC đang bắt đầu đi quá đà khi ngày càng có nhiều thành viên của hệ sinh thái SPAC gồm các quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, ngân hàng, luật sư và đủ loại người ủng hộ mô hình này.

Gần đây, SEC đã đưa ra một vài cảnh báo. Trong thế giới SPAC, một bên là những người đang dồn dập tạo ra các SPAC và giàu lên nhanh chóng, còn một bên là những người háo hức mua vào cổ phiếu của các SPAC với hy vọng sẽ đổi đời.

SPAC là gì?

Về bản chất, SPAC là một công ty rỗng được lập nên bởi các nhà đầu tư với một mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua thương vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác.

Một ví dụ điển hình, SPAC có tên Diamond Eagle Acquisition Corp., được thành lập vào hồi năm 2019 và lên sàn chứng khoán vào hồi tháng 12/2020. Sau đó, SPAC tuyên bố sáp nhập với DraftKings và SBTech. Cổ phiếu DraftKings đã bắt đầu được giao dịch đại chúng sau khi thỏa thuận sáp nhập hoàn tất vào tháng 4/2020.

Như vậy, SPAC không có hoạt động kinh doanh gì, không làm ra sản phẩm nào và không hề bán hàng. Tài sản duy nhất của SPAC là số tiền mà nó huy động được từ thương vụ IPO của chính mình, theo định nghĩa của SEC.

Vòng đời của một SPAC thường bao gồm 4 bước:

- Bước thứ nhất, thành lập SPAC. Một SPAC được thành lập bởi một nhóm nhà tài trợ thường là các nhà đầu tư nổi tiếng, những công ty đầu tư cổ phần tư nhân hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm.

- Bước thứ hai, SPAC tiến hành IPO. Ở bước này, SPAC sẽ tuân thủ quy trình IPO thông thường như bất kỳ doanh nghiệp nào, tuy nhiên các nhà tài trợ của SPAC không công bố cụ thể các công ty mà họ đang cân nhắc mua lại để tránh những thủ tục phức tạp với SEC.

Giá cổ phiếu của các SPAC khi IPO thường là 10 USD mỗi cổ phiếu. Khi lên sàn giao dịch, SPAC sẽ có mã cổ phiếu và hầu hết số tiền mà các cổ đông đầu tư sẽ được giữ trong một tài khoản ủy thác.

- Bước thứ ba, tìm kiếm công ty để mua lại. Thường thì các SPAC sẽ có 2 năm để tìm kiếm một công ty tư nhân để mua lại hoặc sáp nhập. Theo đó, đưa công ty đó trở thành công ty đại chúng vì công ty đó sẽ trở thành một phần của SPAC. Thời hạn này có thể rất dễ để đáp ứng bởi các nhà tài trợ có thể đã có một đối tượng cụ thể để mua lại ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, tiền sẽ được trả lại cổ đông nếu một SPAC không sáp nhập hay mua lại một công ty nào trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi lên sàn. Điều này khiến cho việc đầu tư vào các SPAC có độ rủi ro thấp hơn so với việc mua cổ phiếu trong các thương vụ IPO truyền thống như trong trường hợp SPAC không thực hiện mua lại, nhà đầu tư được lấy lại tiền. Trong khi đó, ở các thương vụ IPO truyền thống, không có gì đảm bảo cho việc cổ phiếu mà nhà đầu tư mua sẽ không gây thua lỗ.

- Bước cuối cùng là hoàn tất thương vụ mua lại. Hoàn tất việc sáp nhập, các nhà đầu tư rót vốn vào SPAC có thể đổi cổ phiếu của công ty SPAC lấy cổ phiếu của công ty sau sáp nhập hoặc có thể trả lại số cổ phiếu đó và lấy lại khoản tiền đầu tư ban đầu cộng thêm lãi. Thường các nhà tài trợ cho SPAC sẽ nhận được khoảng 20% cổ phần của công ty sau sáp nhập.

Việc sáp nhập với SPAC cho phép một công ty vừa trở thành doanh nghiệp đại chúng và vừa có thể huy động được tiền vốn nhanh chóng hơn so với một cuộc IPO thông thường, bởi một vụ SPAC thâu tóm công ty có thể hoàn tất trong vòng chỉ vài tháng thay vì một quy trình có thể kéo dài tới 6 tháng để đăng ký IPO với SEC.

Ngoài ra, trong một vụ sáp nhập với SPAC, công ty mục tiêu có thể đàm phán một mức định giá cố định của mình với các nhà tài trợ của SPAC đó.

Quốc Khánh
Cafe Khởi nghiệp